Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố kết quả PISA năm 2022. TheếtquảPISAcủahọcsinhViệtNamtụthạk8o đó, học sinh Việt Nam đạt 469 điểm toán, 462 điểm đọc hiểu và 472 điểm khoa học, thấp hơn 3 - 14 điểm so với mức trung bình của các nước OECD.
So với kỳ đánh giá năm 2018, điểm toán trung bình của học sinh Việt Nam giảm 27 điểm, đọc hiểu và khoa học giảm lần lượt 43 và 71 điểm.
Xét về thứ hạng, học sinh Việt Nam nằm ở mức trung bình về môn toán, nhưng dưới trung bình ở môn đọc hiểu và khoa học. Cụ thể, trong số 73 nước và 8 vùng lãnh thổ tham gia PISA năm 2022 thì Việt Nam đứng thứ 31 về toán, 34 về đọc hiểu và 37 về khoa học.
Từ khi Việt Nam tham gia xếp hạng PISA vào năm 2012, kết quả xếp hạng năm nay thấp nhất, giảm bậc ở tất cả các lĩnh vực. Trong đó, kết quả môn toán học giảm 7 - 14 bậc, đọc hiểu giảm 2 - 21 bậc, khoa học 27 - 31 bậc.
Việt Nam đã có 4 lần tham gia PISA. Ở lần đầu tham gia, năm 2012, Việt Nam đạt kết quả khá với 511 điểm lĩnh vực toán, 508 điểm lĩnh vực đọc hiểu và 528 điểm lĩnh vực khoa học.
Tới năm 2015, PISA tập trung vào lĩnh vực khoa học, cũng là lần thứ 2 Việt Nam tham gia và đạt kết quả ở mức trên điểm trung bình OECD (lĩnh vực khoa học đạt 525 điểm, toán học đạt 495 điểm và đọc hiểu đạt 487 điểm).
Năm 2018, học sinh Việt Nam đạt 505 điểm đọc hiểu, cao thứ 13 trong 79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, tăng 19 bậc so với chu kỳ năm 2015. Về toán học, Việt Nam đạt 496 điểm, cao thứ 24. Còn với lĩnh vực khoa học, Việt Nam đạt 543 điểm, cao thứ 4.
Theo đánh giá của báo cáo, giảm điểm là xu hướng chung của kết quả PISA 2022, riêng các nước trong khối OECD sụt giảm "chưa từng có". Học sinh các quốc gia OECD giảm trung bình 15 điểm toán, 11 điểm đọc hiểu và 2 điểm khoa học.
Có phải do dịch bệnh Covid-19?
Tại Hội thảo khoa học về phương pháp giáo dục và đánh giá phẩm chất năng lực người học do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức hôm nay 6.12, Viện trưởng, GS Lê Anh Vinh nêu nhận xét: một xu hướng trong cả 4 lần thi PISA của Việt Nam, đó là chúng ta có tỷ lệ nhóm điểm thấp nhất và tỷ lệ nhóm điểm cao nhất là tương đối thấp so với các nước có điểm tương đương.
Cũng theo GS Lê Anh Vinh, nếu như phân tích vào các nhóm điểm thì chúng ta sẽ thấy trong nhóm 25% kết quả cao nhất và 25% thấp nhất của Việt Nam thì khoảng cách điểm là khoảng 78 điểm.
Số điểm này tương đương với khoảng 2 năm rưỡi học tập. Đáng chú ý, khoảng cách này đang cao hơn khoảng cách của năm đầu tiên chúng ta tham gia PISA vào năm 2015 (năm đó khoảng cách là hơn 60 điểm). Tuy nhiên, khoảng cách này vẫn thấp so với mặt bằng chung của OECD là hơn 90 điểm (khoảng cách khoảng 3 năm học).
GS Vinh nhấn mạnh: "Khoảng cách điểm này là một khoảng cách rất lớn giữa học sinh có điều kiện học tập tốt nhất và những học sinh khó khăn nhất. Các con có thể chênh nhau bằng khoảng 3 năm học tập tại trường và chắc chắn chúng ta phải làm rất nhiều điều để có thể thu hẹp khoảng cách này".
GS Lê Anh Vinh đặt vấn đề: "Kỳ thi PISA năm 2022 dự kiến tổ chức vào năm 2021, tuy nhiên phải lùi lại 1 năm so với dự kiến do dịch bệnh Covid-19. Chắc chắn dịch bệnh này ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục trên toàn thế giới nhưng câu chuyện là "khó người khó ta", tại sao tất cả đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch mà nước ta có vẻ lại bị ảnh hưởng nặng hơn so với các nước khác hay không?".
Ông Vinh cũng cho rằng: "Kết quả PISA của Việt Nam vẫn rất tốt. Ở đây, tôi muốn đặt câu hỏi: liệu rằng học sinh Việt Nam trong 2 năm vừa qua do dịch bệnh, chúng ta duy trì được việc học nhưng việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, việc thi vào lớp 10 có gì thay đổi làm ảnh hưởng đến kết quả hay không? Điều này cần có tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn nhưng rõ ràng chúng ta nhìn thấy việc kiểm tra, đánh giá trong suốt quá trình học tập sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung của học sinh".
PISA (Programme for International Student Assessment) là chương trình đánh giá học sinh quốc tế, do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng với quy mô toàn cầu, chu kỳ 3 năm một lần, đánh giá năng lực của học sinh 15 tuổi ở ba lĩnh vực là đọc hiểu, toán, khoa học.
Mỗi kỳ sẽ có một lĩnh vực được lựa chọn để đánh giá sâu hơn, gọi là lĩnh vực trọng tâm và sử dụng làm căn cứ để xếp loại chất lượng giáo dục của các quốc gia. Năm 2018 là lĩnh vực đọc hiểu.
Chu kỳ đầu tiên của PISA được đánh giá là năm 2000. Ban đầu, PISA được thiết kế đánh giá bằng đề thi trên giấy. Tuy nhiên, đến năm 2018, hầu hết quốc gia đã chuyển sang hình thức thi trên máy tính, chỉ còn 9 nước tham gia thi trên giấy, trong đó có Việt Nam.